Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Đừng nhầm lẫn giữa cảm cúm và ung thư vòm họng


Được xếp vào 1 trong 10 loại ung thư phổ biến trên thế giới, với diễn biến nhanh và tỉ lệ cao, ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ.
Khi mới hình thành, ung thư vòm họng thường có dấu hiệu của nhiều bệnh liên quan đến tai mũi họng như cảm cúm hoặc bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu. Người bệnh thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng sớm của bệnh vì cho rằng chỉ mắc chứng cúm thông thường. Trước tiên, bạn thấy đau họng, khó nuốt. Khó nghe một bên tai hoặc cả hai. Bạn cũng có thể bị chảy máu cam, nhức đầu, mờ mắt, hắt xì, ù tai, đau đầu, khàn tiếng kéo dài.
Nếu các triệu chứng kể trên kéo dài 3 tuần mà không thuyên giảm thì cần thăm khám bác sĩ để tầm soát ung thư.
Khi ung thư phát triển ở giai đoạn cuối, bạn thường xuyên bị ngạt mũi kèm chảy máu, mủ ở mũi; nổi hạch ở góc hàm có thể nhận biết cảm quan; hoặc liệt các dây thần kinh sọ não với các dấu hiệu như lác mắt, tê mặt, vẹo lưỡi, nuốt sặc... Ung thư vòm họng thường xảy ra ở nhóm tuổi 30-50. Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh hơn phụ nữ.

Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Không ai biết chắc chắn nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng. Bạn có thể có nguy cơ bị ung thư vòm họng cao hơn nếu trong trong gia đình có người từng mắc.
Ăn thực phẩm nhiều muối như thịt muối, cá muối, dưa cà muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này.
Virus Epstein-Barr (EBV) hay còn gọi là herpesvirus 4 ở người. Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, EBV có liên quan đến các rối loạn sinh lympho và một số bệnh ung thư trong đó có ung thư mũi họng hoặc bệnh đa xơ cứng. Loại virus này có thể nhiễm vào cơ thể và tồn tại lâu mà không gây tác động nào.
Quan hệ tình dục bằng miệng dễ khiến bạn mắc virus HPV – chủng virus gây u nhú trên cơ thể người hay còn gọi là bệnh sùi mào gà. Nếu không được chữa trị sớm hay chữa trị không dứt điểm, biến chứng của bệnh sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư vòm họng. Người nghiện rượu bia, thuốc lá, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, chất khí độc hại cũng có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh.


Phòng tránh bệnh
Bệnh ung thư vòm họng phát sinh ở người không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, do đó chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Tuy vậy, để phòng bệnh điều quan trọng vẫn là tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.
Không nên hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh những người đang hút thuốc mà từ bỏ được thì sau 5-6 năm nguy cơ mắc ung thư vòm họng sẽ giảm xuống giống như những người không hút thuốc. Hạn chế uống rượu, bia và các chất có cồn gây hại cho cơ thể. Hạn chế ăn thịt muối, cá muối và các thức ăn lên men (dưa muối, củ muối).
Đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa ung bướu khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài mà điều trị thông thường không khỏi.
Bổ sung các loại trái cây, rau củ vào khẩu phần ăn uống. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, luyện tập thể lực để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phát hiện kịp thời được dấu hiệu của ung thư vòm họng và có những biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả. Chúc các bạn có một sức khỏe thật tốt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét